Monthly Archives: Tháng Chín 2022

“Dạ không có gì ạ!”

Cửa kính tầng trệt cao ốc văn phòng luôn có một anh chàng đứng mở sẵn cửa hộ người qua lại. Tôi thường xuyên nói: “Cảm ơn em!” mỗi lúc đi qua. Các anh chàng trẻ – rất trẻ thường mỉm cười lấy lệ hoặc ngượng nghịu không đáp lại. Tôi nghĩ nếu họ đáp lại, chắc đời họ đã khác!

Nếu họ mỉm cười bằng mắt trước khi sử dụng cơ mặt, nếu họ đã nhẵn mặt các nhân viên như tôi nên đáp lại một câu hỏi ngắn, hoặc chỉ lịch thiệp trả lời: “Dạ không có gì ạ!” thì tư cách anh gác cửa đã trở thành tư cách quý ông.

Một tương tác nhỏ thân thiện có thể thay đổi đời bạn, chỉ vì bạn đã thay đổi tâm thế với đời. Tôi hứa chắc với bạn, cuộc đời bạn sẽ thay đổi nếu bạn làm việc với cảm xúc chứ không làm việc chỉ vì đang được trả lương.

Chỉ một tư thế đưa tay mở cửa, sẽ có điều gì đó tỏa sáng ở bạn. Cả thế giới đều nhìn thấy điều đó, và ghi nhận, và đáp trả.

Trên đường đi làm về cũng thường chạy xe qua cửa một hiệu ăn lớn của chuỗi nhà hàng ẩm thực, tôi hay thấy vào giờ vắng khách, các nhân viên mặc đồng phục vàng hay ngồi thành một dãy trên chiếc bàn dài sát lối đi, tay chống cằm nhìn ra ngoài đường.

Chẳng có tấm biển quảng cáo quán ăn nào sống động bằng hình ảnh những nhân viên đuổi ruồi và ngáp vặt. Chiều chiều.

Giá trên tay họ là cuốn sách và cái giẻ lau, hoặc một tấm danh thiếp, brochure nhỏ xinh thiết kế có thẩm mỹ. Người thì lau chân ghế, khe cửa. Người đọc sách tranh thủ thời gian chết để nâng cao kiến thức. Người mang brochure đi lân la trò chuyện với khách vãng lai gần khu vực (trò chuyện vài câu để tự giới thiệu món mới ưu đãi, chứ không phải giúi rác vào tay người ta). Và người đứng ở vỉa hè hay cửa quán, mỉm cười với tôi khi tôi nhìn vào, hoặc mỉm cười với tất cả những người đi qua có ý nhìn tới cửa hàng!

Đằng nào bạn cũng sẽ ở đây, vào lúc này, hãy như một người phục vụ đang sống chứ không như một người phục vụ đang ngáp.

Thời gian chúng ta chỉ có 24h để sống, lấp thứ gì đó vào lúc rảnh cũng là một kỹ năng quan trọng. Bạn muốn là một linh kiện của bộ máy, hay bản thân có thể tự vận hành và tự tạo ra động lực và năng lượng như cả một cỗ máy?

Có người hay kể câu chuyện thành công, tỷ phú George Soros ngày xưa cũng chỉ làm cửu vạn, hầu bàn. Nhưng tôi tin rằng, người thành đạt khác người thường chỉ ở chỗ này thôi:

Họ không chỉ làm những gì họ được trả lương.

Họ có rất nhiều cảm xúc với thế giới này.

Họ không quên phát triển bản thân và học hỏi thêm nhiều trong những công việc ấy.

Nếu không như thế, dù bạn làm nghề gì, bạn chỉ nhận được mỗi lương mà thôi!

Credit: Trang Hạ.

Một trọc phú kiến thức

Một trọc phú kiến thức
(bài nói chuyện tại Lễ khai giảng Đại học Fulbright, tháng 9/2022)

Trong lá thư mời của chủ tịch Đại học Fulbright Đàm Bích Thủy gửi cho tôi để dự lễ khai giảng năm nay, chủ đề được nêu ra là: Phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới theo cách của bạn.

Tôi thật sự rất bối rối. Tôi không biết phải nói gì với các bạn. Có một nghịch lý ở đây, là chính tôi cũng là người bài xích chủ nghĩa kinh nghiệm. Nếu mục tiêu là phá vỡ khuôn mẫu, thì sao phải nghe lời người đi trước? Ai lại đi truyền dạy kinh nghiệm về việc thoát ra khỏi những kinh nghiệm? Để phá vỡ những khuôn mẫu, điều đầu tiên các bạn cần làm, là nghi ngờ chúng tôi, những người đi trước, chứ không phải nghe theo.

Chính tôi đã sống như vậy – đã biết đặt câu hỏi và nghi ngờ mọi thứ kinh nghiệm mà người đi trước ra sức truyền dạy – bây giờ tôi lại bảo các bạn nghe tôi đi, điều hay lẽ phải đây nè, quá là dở hơi.

Nghịch lý này tồn tại ở khắp nơi. Giống như ngay cả chủ nghĩa tự do đến cuối cũng là một hệ thống nguyên tắc ngặt nghèo, mà thỉnh thoảng, trong lịch sử người ta nhân danh chủ nghĩa tự do để áp đặt người khác bằng vũ lực. Ai lại đi áp đặt người khác phải tự do, lại còn bằng vũ lực? Kiểu tự dưng xông vào đấm người ta sưng cả mắt, ai cho phép mày nghĩ thế, mày phải suy nghĩ tự do lên.

Tôi nghĩ khá lâu, và tự hỏi rằng điều gì là quan trọng nhất mình học được trong đời, để nói trong lễ khai giảng này.

Read the rest of this entry

Đọc xuôi Tây Du Ký

Người ta nói rằng khi đọc xuôi Tây Du Ký, bạn sẽ thấy rằng đó là câu chuyện của một nhà tu hành nỗ lực hoàn thiện mà vươn tới đắc đạo,

Nhưng nếu lật ngược tác phẩm này, thì đó lại là câu chuyện rất thật, rất thực tế về một đời người, từ chỗ thần tiên mà về lại cõi phàm, vô tri vô giác.

Câu chuyện khi lật ngược, sẽ trở thành việc Như Lai giao cho 4 thầy trò Tam Tạng 8 bộ chân kinh, một con Bạch Long mã, với nhiệm vụ phải tìm đến Đại Đường truyền giáo.

Trong suốt hành trình, họ ngao ngán nhận ra rằng yêu ma quỷ quái xuất hiện ngăn cản, phá rối họ, đều là những thế lực con ông cháu cha ở tận thiên đình, có thế lực giật dây, và chúng không bao giờ phải chịu sự trừng phạt nào cả.

Để rồi Bát Giới bất mãn đến mức bỏ về Cao Lão trang, Sa Tăng trở lại Lưu Sa hà.

Chỉ còn lại một mình Tôn Ngộ Không vẫn kiên trì cần mẫn phò tá Đường Tăng, vượt mưa sa gió lạnh, vượt cạm bẫy gai chông, và lâu dần, Ngộ Không đã trở thành một cái gai trong những con mắt ở tiên giới. Một thỏa thuận ngầm giữa thiên đình với Như Lai đã xảy ra, khỉ con phải bị khống chế, đổi lại Đường Tăng sẽ được cập bến Trường An an toàn.

Những toan tính xuất hiện nhắm vào Ngộ Không, và hầu vương đã thảm bại, chấp nhận an phận cảnh tù đày ở Ngũ Hành Sơn. Oái ăm thay, Tam Tạng cũng bỏ mặc, một mình đến Trường An và được nhận quả ngọt sau khi hoàn thành sứ mệnh truyền giáo, là danh vị Ngự đệ, tức là em kết nghĩa của vua Đường.

500 năm sau, Ngộ Không được ra tù, và với nỗi uất hận khôn cùng đó, Ngộ Không đã làm một trận đại náo thiên cung vô tiền khoáng hậu. Ngọc Hoàng và chư vị thần tiên hoảng sợ, đành chấp nhận cho triệu hồi Bát Giới trở về phục vị Thiên Bồng nguyên soái, Sa Tăng hoàn lại chức danh Quyền Liêm đại tướng quân, với cam kết phải tiêu diệt được Tôn Ngộ Không.

Chán ngán cảnh huynh đệ tương tàn, thầy trò phụ bạc, Tôn Ngộ Không mất hết ý chí và tìm về Bồ Đề sư tổ, trả lại 72 phép thần thông biến hóa, trả lại vòng kim cô, quay về Hoa Quả sơn, sống cuộc đời núi rừng hoang dã với đám hầu tử hầu tôn của mình.

Và kết thúc số phận, khỉ con đã trở về hình hài nguyên thủy vô tri vô giác như ngàn năm đã qua, một hòn đá chơ vơ cô độc cùng gió cùng mưa, trên đỉnh Hoa Quả sơn lạnh lẽo.

Credit: Mai Dương

Huynh đệ cũ

Huynh đệ cũ

Trong mọi bữa tiệc, tôi hay để ý đến phần “hạ màn” – khi những người anh em từ biệt nhau về nhà, khi những ngọn đèn cuối cùng được tắt và khi tất cả sự hào nhoáng qua đi.

Tôi nghĩ một những yếu tố nói lên rằng bạn đã đi qua tuổi trẻ nằm ở sự khác biệt trong cảm giác của những buổi tụ tập. Khi còn trẻ bạn nghĩ rằng mỗi lần đi chơi lại là một lần hòa mình vào một góc nào đó mới lạ của thế giới. Đến khi đã có tuổi một chút, đôi khi mọi người gặp nhau là vì một lý do khác.

Họ gặp nhau để khuây khỏa cho cảm giác trống trải trong lòng, để tìm người có thể hiểu được bóng ma quá khứ mà mình không thể giãi bày với ai cả, để nhớ lại nụ cười vô tư của những ngày chẳng phải quan tâm gì tới tương lai. Bởi đến một ngày, cuộc sống đều sẽ thụi cho mỗi người một cú thật mạnh, và rồi chính bạn cũng hiểu rằng đấu tranh với nó thật là khó.

Khoảnh khắc những thằng bạn tốt lâu ngày tụ tập cùng nhau dù vui vẻ thế nào thì khi đứng lên ra về ai cũng có một chút buồn quặn quẽ đâu đó nơi ánh mắt. Có người sẽ về với gia đình vợ con, có người sẽ về lại với cuộc chiến trong nhà mà hồi trẻ mình chưa từng biết tới, có người lại trở về với một góc tối và tiếp tục nung nấu ủ mưu.

Nếu đã xem phim Ma trận phần 3, chắc hẳn bạn cũng đã từng đặc biệt ngỡ ngàng trước cảnh Trinity và Neo lao qua hàng mây và trong tích tắc nhìn thấy sự huy hoàng của ánh mặt trời trước khi bổ nhào xuống một trời khói lửa bên dưới trong nhiệm vụ cứu thế giới của mình. Trong những lần tụ họp anh em, tôi đều nhìn thấy ở mọi người một khoảnh khắc như vậy. Một khoảnh khắc những người anh em về cảm giác của tuổi trẻ, của huy hoàng và cả những sự cố gắng mà tất cả mọi người đang dồn cho cuộc sống của mình.

Những người khao khát làm được một điều gì đó to lớn sẽ hiểu cảm giác này. Đó là những ước mơ bạn muốn đạt được trong đời, bạn chỉ có thể tự mình xây dựng chúng. Anh em, bạn bè, gia đình,…hay tình cảm, họ ở đó là để chia sẻ tinh thần chứ không để xây nó cho bạn. Thế nên, chỉ một vài giờ ở cạnh nhau giữa cuộc sống này đã là cực kỳ trân quý rồi.

Cũng nhờ thế mà tôi hiểu được rằng, bạn tốt không cần ngày nào cũng thấy mặt, nhưng mỗi khi gặp lại, mọi cảm xúc đều vẫn hiện rõ như mới ngày hôm qua.

Credit: Lu – Mannup – Bao dung đi giữa biển người.

“Quản chuyện người khác”

Tôi từng đọc được một đoạn về “Tây Du Kí”, rằng:
“Đường Tăng rất cẩn thận, luôn thích chăm lo cho các đồ đệ của mình”.


Ngày nọ, ngài phát hiện trên quần của Tôn Ngộ Không có một lỗ thủng, cho nên đã lặng lẽ vá lại lỗ thủng đó.
Ngày hôm sau, ngài lại thấy chỗ vá thủng ra, cho nên, một lần nữa lại lặng lẽ vá lại.


Ngày thứ ba vẫn vậy, và ngài ấy vẫn tiếp tục vá.
Dù cho ngài cẩn thận như thế, nhưng Tôn Ngộ Không lại nóng giận, không chịu nổi bèn nói rằng:
“Sư phụ, người đừng quản mấy chuyện không đâu nữa có được không? Người đem lỗ thủng trên quần con vá lại như thế, người nói đuôi của con biết làm thế nào?”


Trong “Người trộm bóng” cũng có một câu thế này:
“Bạn không thể can thiệp vào cuộc sống của người khác, cho dù là vì muốn tốt cho đối phương”.


Đúng vậy, việc can thiệp một cách mù quáng đến những chuyện không liên quan đến mình, nhiều khi sẽ khiến bạn rơi vào tình huống “có ý tốt mà không được đền đáp”


Cho nên, người đến độ tuổi trưởng thành, vẫn là nên học cách có chừng mực với người khác, không quản chuyện không liên quan đến mình, không chỉ là tôn trọng người khác, mà còn là dành một phần an tĩnh cho chính mình.

  • Rainie Nguyen dịch