Thi ân mạc niệm, thọ ân mạc vong…

Bài viết này tôi cũng khá thích từ rất lâu rồi, chính xác thì nó của acc Sói Đồng Hoang. Một bài viết đi ngược dòng nước, có thể sẽ gây phản ứng với người đọc nhưng các bạn trẻ bây giờ hay nói rằng “thô mà thật. Những người đọc thông liệu có suy nghĩ thế không nhỉ?

Hình Như Là – 4dummies.info

Thi ân mạc niệm, thọ ân mạc vong…

Con người dù ở thời đại nào, nền văn hóa nào, thì cũng đều coi trọng ân nghĩa, bất luận Đông Tây hay Âu Á. Kể cả một số loài vật có trí khôn cũng biết ơn khi ta làm điều tốt cho nó. Điều này chắc khỏi cần ví dụ vì có nhiều quyển sách đã kể ra rồi. Mang ơn thì phải trả ơn, đó là điều quá hiển nhiên, gần như là một bản tính của con người trong xã hội, chả có gì phải bàn cãi hết. Thế nhưng, tôi đây khi vô tình đọc được câu “Thi ân mạc niệm, thọ ân mạc vong” rất lấy làm ngạc nhiên. Bởi đây là câu nói mà cổ nhân đã dạy, và người xưa thì chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng Nho giáo lấy nhân lễ nghĩa trí tín làm chí lập thân. Vậy cớ sao ông bà ta lại để lại cho con cháu một lời dạy chua chát và không có “nghĩa” như vậy ?

Thi ân mạc niệm, tức là mình làm ơn cho ai thì mình nhớ rất rõ. Quả đúng vậy ! Có đôi khi mình làm ơn một cách hết sức tự nhiên mà không cần ai đền đáp, nhưng mình vẫn nhớ rất rõ mình đã giúp ai điều gì. Và mặc dù mình không cần đền đáp, nhưng một tiếng cảm ơn cũng không nhận được sẽ làm mình khó chịu và hụt hẫng ghê lắm. Còn giả như người ta hoàn toàn trở mặt không nhận đã mang ơn mình thì điều đó thực sự làm mình nổi giận ! Vì sao ? Thi ân mạc niệm.


Như tôi đây có lần vào quán nước gặp một người tàn tật đi bán vé số, tôi mua giúp ông ta một cọc vé, rồi sau đó tặng hết cho ông với lời chúc may mắn, Ông ta nhìn tôi cảm động khiếp. Với tôi chuyện này hoàn toàn chả có ý nghĩa gì hết, nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ và lâu lâu vẫn hay đem ra mà kể cho mọi người nghe. Khoe là mình tốt ? Mình thương người ? Hay muốn cảm nhận cái khoái cảm đứng trên người mà ban ân ? Có lẽ tất cả đều đúng. Vá có lẽ đó cũng là cái tâm lý chung của con người khi làm ơn cho người khác. Nói đến đây tôi chợt nhớ đến một lời nói của Jésus : khi làm điều gì cho ai bằng tay phải thì đừng để tay trái biết. Có lẽ đó là cách để ta đừng quá kiêu ngạo chăng ? Phật cũng có đề cập đến chuyện này khi nói : vì thương người mà bố thí nhưng còn thấy có người bố thí và người được bố thí, đó là cái hạnh của La Hán. Bố thí mà không thấy có người bố thí và kẻ nhận của bố thí, đó là cái hạnh của Bồ Tát. Nhưng bố thí không vì thương cũng không vì lợi, tự nhiên như hơi thở, vào ra không vướng bận, đó là cái hạnh của Phật vậy. Thế mới biết dù là ai, ở đâu, khi đã bắt đầu đạt đến trạng thái “ngộ” rồi thì có lẽ cũng đều trở về cùng một tư tưởng Nhất Thể, Đông cũng như Tây. Câu “Thi ân mạc niệm” xin dừng ở đây, nói nhiều đâm ra sa đà tiểu tiết, mất hay đi.
Thọ ân mạc vong, tức là mang ân người thì hay sinh lòng bội phản ! chà chà, câu trên nghe cũng hơi hơi có lý, thuận với tâm tình mình, câu này sao nghe chói tai quá sức. Có ai trên đời này lại muốn là kẻ vong ân bội nghĩa, vắt chanh bỏ vỏ, ăn cháo đá bát không nhỉ ? Chắc chắn không rồi. Nhưng cũng xin thú thực với mọi người, tôi đây đôi khi nghĩ, vắt chanh không bỏ vỏ thì để lại sẽ đắng lắm Ngẫm cho kỹ thấy cũng có điều đúng. Khi mình nhờ ai đó làm gì giúp mình, hay mượn tiền, mượn đồ thì khi trả mình sẽ kèm theo tiếng cảm ơn, đó là điều tự nhiên của một người có văn hóa, sống có tình có nghĩa. Nhưng đó là những việc nhỏ có thể trả lại, hãy nói đến những cái ơn lớn hơn khó mà trả, ơn cứu tử chẳng hạn. Bởi chẳng thể trả dứt được, ta luôn mang cái ơn đó trong lòng, và lắm khi chính cái ơn đó làm tâm hồn ta bị đè nặng. Đến khi không chịu được nữa ta sẽ tìm mọi cách để quên nó đi. Tôi không nói là ai cũng vậy, nhưng bạn hãy thử tưởng tượng mình được ai đó cứu mạng, và người cứu mạng mình là kẻ dưới xem. Khi đối diện người đáng con đáng cháu ta đó, ta luôn có một cảm giác khó chịu mình là kẻ thọ ơn, là kẻ đứng dưới người ta, đó cũng là một tình cảm rất thực khiến những kẻ đầu đội trời chân đạp đất, những bậc quân tử chính trực xưa nay không bao giờ hàm ơn kẻ khác. Nếu những điều đó không thuyết phục bạn lắm, một cách rất bản năng, hãy tự hỏi mình xem khi ai đó làm ơn cho bạn, bạn làm gì trước hết ? Tìm cách trả ơn ! Phải, vì một khi cái ơn đó chưa được trả thì bạn còn chưa được ăn ngon ngủ yên, chưa được thanh thản trong lòng, chưa được nhẹ nhõm lương tâm. Vậy hãy nghĩ xem nếu ơn quá nặng quá sâu không gì đền đáp, bạn sẽ sống ra sao với điều đó ? Các bực thánh nhân hành sự cũng rất để ý mà tránh điều này, họ không bao giờ làm ơn cho ai cả.
Đến đây tôi lại nhớ một câu chuyện về hai người, một người Mỹ bình thường và một người Do Thái nghèo. Người Mỹ kia thấy mùa đông về mà người Do Thái vẫn phong phanh chiếc áo lá, anh ta động lòng thương đến gặp và nói : Vợ tôi rất thích cái gàu múc nước nhà anh, tuy nó cũ kỹ không giá trị gì với anh nhưng nó có thể làm vui lòng vợ tôi, vậy anh có đồng ý nhường nó lại cho tôi chăng, tôi sẽ để lại cái áo bông đang mặc này cho anh.
Thật sòng phẳng, thật công bằng mà cũng thật tế nhị làm sao anh người Mỹ kia. Vì biết chắc nếu cho thì với cá tính của người Do Thái, chắc chắn anh ta sẽ không nhận, chẳng những thế mối quan hệ giữa họ có nguy cơ căng thẳng do anh Do Thái cảm giác như người ta thương hại mình, người ta đứng ở trên mà ban ơn cho mình, và tính kiêu hãnh của dòng Do Thái đâu cho phép anh ta nhận cái ơn đó !! Thật hay cái cách xử thế của con người.
Gõ nhiều quá mỏi tay, em xin dừng ở đây, các bác có gì phàn nàn cứ lên tiếng nhé. Chủ đề này nhẹ nhàng mà thú đấy các bác nhỉ, hy vọng các bác các chú ở đây thích nó !

(c)Nguyễn Thanh Hiền
Sói Đồng Hoang – TTVNOL

About Hình Như Là

Xin đừng tìm biết rõ chàng ta - Nhân loại xem rằng dễ xấu xa Có đến mà yêu thì hãy đến Xem đầu mây gợn, mắt mây qua.

Posted on 22/12/2013, in 4IDIOTS and tagged . Bookmark the permalink. 4 bình luận.

  1. Chào bạn … Xưa tôi được dạy và cũng thường được nghe là : “Thi ân bất cầu báo, thọ ân mạc khả vong” = Thi ân không cầu đền đáp / báo đáp, thọ ân không bao giờ quên”

  2. Chào bạn, thế thật sự con người là “Thi ân bất cầu báo” hay “Thi ân mạc niệm” =)

  3. Hình như bạn hiểu và giải thích ngược lại hoàn toàn với nghĩa của câu này, Đúng như lời bình luận trên, “thi ân mạc niệm” nghĩa là làm ơn cho ai cái gì thì không cần nhớ, còn “thụ ân mạc vong” là đã được ai giúp cái gì thì không được quên.

  4. Đây là bài viết kiểu bạn là cái thùng chứa. Cho đến khi nào bạn là đường ống thì sẽ hết các cảm giác này thôi, mọi thứ sẽ chạy ngang qua chỗ bạn và đi tiếp theo lộ trình của nó. Khi đó mọi thứ sẽ tự nhiên mà rỗng lặng

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.