Phở cây khế

PHỞ CÂY KHẾ
Mấy hôm trước, phở Cây Khế đối diện hồ bơi Đại Đồng – gần nhà ba mẹ tôi – bất ngờ mở cửa lại.
Sáng đó dù đã ăn sáng, tôi vẫn ghé vào làm một tô. Như thường lệ, người vợ vẫn múc, chồng ngồi tính tiền, người em trai của ngươi vợ thì chạy lăng xăng, khi thì châm thêm chanh ớt, lúc thì lấy trà đá cho khách.
Tuổi đời của họ đã chất chồng theo năm tháng. Tôi ăn lần đầu khi mới bảy tuổi, còn họ vẫn ở tuổi tráng niên. Giờ, cặp vợ chồng đã thất thập, người em vợ trẻ hơn cũng ngoài 50. Họ cùng nhau bán phở và già đi cùng nhau suốt 30 năm. Vợ vẫn hỏi chồng câu “cà phê ngon hông mình”, chồng vẫn “tính tiền bàn số 3” còn ông em vợ vẫn “rồi, có liền”. Bà vợ vẫn chửi đứa em ruột như hát hay: “lề mề vậy nên vợ nó bỏ mày phải rồi”
Phở không ngon mấy. So với Phú Gia, phở Dậu, phở Anh, phở Lý Quốc Sư ở Sài Gòn thật khập khiễng. Nhưng có những thứ nó ngon không phải vì vị giác, mà vì cảm giác, cái cảm giác thân thuộc. Tôi hay dẫn bạn đi và nói quán này đã có từ trước Giải phóng, quán kia đã được mấy chục năm và thông tin ấy nó có sức nặng ngay: hẳn nó phải ngon lắm. Bởi nếu không ngon, làm sao nó có thể sống qua ngần ấy năm.
Hoặc cái quán mấy chục năm có thể đưa đến một giả định khác: hẳn người bán họ phải yêu nó lắm. Bởi không yêu làm sao có thể duy trì một việc suốt mấy chục năm. Dậy sớm, thức khuya, ninh xương, lựa thịt, trụng phở, tính tiền, lau bàn, rửa chén…
Quán phở Cây Khế mấy chục năm của tôi nằm ngoài cả hai giả định ấy.
Phở không ngon, và quán cũng không bao giờ đông, trừ mấy ngày Tết. Họ cũng không yêu quá cái quán này, vì đã có ít nhất bốn lần nghỉ ngắt quãng, giao lại mặt bằng cho người khác. Phở Cây Khế đã từng trở thành một cái quán cơm tấm, một cái quán bún bò, một quán phở gà trước khi hai vợ chồng và người em trai từ đâu trở lại, bất ngờ như khi họ biến mất.
Lần đầu họ biến mất, tôi đã thật sự rất lo. Vì sao vậy? Họ dời đi đâu, sao không có bảng thông báo gì. Họ thua lỗ nên gồng hết nổi sao? Tôi thậm chí còn tự trách mình, giá mình ăn phở Cây khế nhiều hơn thay vì ăn mấy món khác, có khi họ đã không lâm vào hoàn cảnh phải bỏ quán mà đi.
Thế nên lần tái ngộ đầu tiên, tôi hỏi: “Sao nghỉ vậy cô? Giá mặt bằng cao quá hả?”
Cô gật đầu buồn, mặt cắm cúi múc nước lèo vào tô phở gầu giòn của tôi.
Chú chen vào: “Tiền nhà tăng có gấp rưỡi mà họ chịu không nổi, cô chú phải ra bán lại”.
Tôi hốt hoảng, trời ơi hoá ra họ là chủ cái mặt bằng này.
Tôi hỏi: “Hả? Vậy nhà cô chú ở đâu lận?”
Cô chỉ ra bốn cái nhà liền kề to vật vã, trong đó có một cái mà buổi tối tiệm mì Sanh Kí thuê để bán, đông không kịp thở. “Nhà cô chú đó con. Hồi đó ba chú để lại cho chú với Cây Khế này. Nên quán mới tên là phở Cây Khế”. Nói đoạn chỉ tay vào cây khế cao trước mặt. Trời ơi, sau cây khế là một cơ ngơi cả trăm cây vàng. Tự nhiên tôi thấy hối hận vì đã… hối hận khi không ăn phở ghê.
Dẫu cho đã biết họ giàu rồi, tôi vẫn tiếp tục ăn. Rời xa nhà cha mẹ ra sống riêng, nhưng cứ mỗi khi về thăm hai cụ, tôi cũng thăm luôn phở Cây Khế. Và rồi trong lúc tôi bước vào hành trình trưởng thành: có bạn gái, tốt nghiệp, lấy vợ, chửi sếp, thất nghiệp, sinh con… thì họ bước vào một hành trình già đi. Nhưng lần nào gặp, người vợ cũng vừa bán vừa hỏi, một kiểu rất Sài Gòn.
- Con giờ đi làm ở đâu?
- Lương đỡ hông con?
- Con của con mấy tháng rồi?
- Ba mẹ con khoẻ hông?
Một lần trở lại, người chồng nay đã lãng tai, người vợ phải ngồi kế ông và nói vào tai ông mới nghe, dẫu trước mặt vẫn là ly cà phê sữa như nhiều năm đã qua. Và nghe họ nói chuyện, tôi biết thêm ông cũng đãng trí.
- Ông nhớ nó hôn?
- Hả? Ai?
- Thằng con bà bán bún đó.
- Ờ, ờ. Nhớ. Thằng này nó ăn không chừa miếng hành nữa.
- Đúng rồi. Ông chờ nó nè. Nó có cái nết lạ lắm, không xài muỗng. Ăn hết bánh trong tô nó đưa tô lên húp như con heo. Dễ thương lắm.
Quả nhiên tôi luôn ăn như thế trong đời mình. Kể cả bún bò hay mì tàu, tôi cũng đều ăn sạch cái rồi mới cầm cái tô lên húp cạn sạch nước. Lần này tôi cũng húp, nhưng trong lúc húp, tôi nghe tiếng “thấy chưa” của người vợ và “à ha” của người chồng.
Dẫu hơi quê, nhưng tôi thấy câu chuyện của hai vợ chồng ấy thật dễ thương. Lắm lúc tôi cũng muốn cuộc đời mình như người chồng kia. Sinh ra ở vạch đích, có cây khế với mấy trăm cây vàng, bán quán đã trở thành sinh hoạt chứ không còn là sinh kế. Rồi có một người vợ, đợi khi mình lãng tai thì kê cái ghế sát lỗ tai mình, đợi mình đãng trí thì kể lại chuyện ngày xưa “ông nhớ hôn?”.
Nhưng đời mỗi người một mệnh. Khi ba tôi trao bộ nhiễm sắc thể vào người má tôi, ông trao luôn cái Hoài bão bất thành của đời mình. Nên cứ muốn nghỉ ngơi, mã gen của tôi nó lại nắm đầu bắt tôi làm một cái gì đó. Rồi thì cứ làm, cứ đi, niềm vui sẽ đến từ những điều ngỡ như bình dị.
Như ba hôm trước, Cây khế mở lại lần thứ 4. Cô đã chậm dữ rồi, đã quên trụng đầu hành cho tôi như nhiều năm trước, đã quên quảng cáo “sa tế cô tự làm đó ngon lắm”, đã quên hô luôn “trà đá Út ơi”. Chỉ còn ông chồng vẫn ngồi đó, và cô lại sát bên:
- Thằng nhỏ này lúc nào nó cũng ăn 3 tô mới đã cái nư.
Cô đã lãng giống chồng rồi. Tôi có húp sạch nước như con heo nhưng chưa từng ăn 2 tô, chứ nói gì tới 3. Cô đã quên tôi, nay chỉ nhìn cái tướng mà bắt hình dong. Như tôi từng bắt hình dong và tưởng cô chú nghèo lắm của mấy chục năm trước.
Hiểu lầm và lãng quên. Vậy đó mà hết một đời.
Credit: Bình Bồng Bột.
Posted on 09/02/2021, in Chất chã and tagged Góc nhìn. Bookmark the permalink. Bình luận về bài viết này.
Bình luận về bài viết này
Comments 0