Dạy con
Dạy con
Mùa khai giảng lại thấy tràn ngập hình ảnh các anh chị kể về hành trình dạy con, nhất là con vào lớp 1.
Con cái là nơi hội tụ tình yêu và hi vọng của các bậc cha mẹ vì vậy khát vọng đưa con mình lên một tầm cao mới, có nền tảng kiến thức vững vàng ngay từ những ngày đầu tiên đi học là nguyện vọng vô cùng chính đáng của bất kỳ ai. Cái này không ai tranh cãi.
Anh Ba từ bé ưa vận động nên rất thích mặc quần thun mà đặc biệt là mặc quần trái. Nói ra thì buồn cười, bọn trẻ con chơi cùng rất hay trêu nhưng riết không thấy mình xấu hổ nên chúng cũng kệ. Mặc quần lộn ngược đơn giản là khiến tôi dễ chịu.
Thế nhưng anh chị thấy đấy, cái quần thun của thằng trẻ con là một điều rất nhỏ nhưng đã phải nằm trong hệ quy chiếu đúng – sai của xã hội. Chúng ta từ bé đôi khi phải chấp nhận những điều không vừa ý chỉ để đẹp hơn trong mắt người khác.
Học giỏi thì tốt, rất tốt. Khi ấy con cái sẽ mang lại sự hãnh diện cho chúng mình và kiến thức sẽ là vốn liếng lớn nhất chúng nó có khi lớn lên.
Nhưng thật đáng tiếc, anh chị phụ huynh thân mến. Hãy chấp nhận sự thật rằng không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể học giỏi như kỳ vọng của cha mẹ.
Chẳng có thần đồng nào bắt đầu bằng việc viết chữ “a”, hay tính “1+1” nhanh hơn bạn cùng lớp cả. Kiến thức phổ thông là kiến thức chung. Thiên hướng tự sẽ bộc lộ khi các con đủ chín muồi về nhận thức. Ai rồi cũng sẽ phải biết đọc nhưng điều đó không có nghĩa người viết phóng sự điều tra cao quý hơn người đọc rap.
Hãy đừng khoe về con mình giỏi cái này, giỏi cái nọ trước mặt phụ huynh khác. Nếu khoe thì khoe với ông bà nội, ngoại là được rồi.
Bố của Edison chưa từng tạo ra bóng đèn điện. Nếu bố mẹ Ánh Viên cứ ép con mình giải phương trình toán học, bố mẹ Đen Vâu mà bắt cháu nó học Y thì biết đâu sẽ uổng cả năng khiếu một kiếp người.
Hãy đặt ra mục tiêu ngắn hạn cho con cái mình thôi và đừng cố bắt cháu nó phải là người đứng đầu chỉ vì cả đời anh chị chưa bao giờ đứng đầu. Cháu quá lười thì xiết tí cho siêng năng và có trách nhiệm với bản thân. Phệt mấy phát vào đít cũng chả vấn đề gì nhưng phải thưởng – phạt phân minh. Đừng vì vui mà xuề xoà, đừng vì bực mà phạt nặng.
Trẻ con Việt Nam thiếu nhất là tập thể dục, ăn uống khoa học, bơi lội và giáo dục nhân cách. Anh chị đừng cố nói đạo lý với nó, đừng trách tại sao cháu nó mê ipad đến thế vì trẻ con nó không nghe đâu, nó chỉ bắt chước anh chị thôi.
Có những người đã sống khuôn khổ, chuẩn mực và khổ luyện để thành công. Điều đó là đúng và có thể họ thấy hạnh phúc với chính cuộc đời áp lực của họ. Nhưng không phải ai cũng thế. Và hãy để con cái chọn con đường của nó khi nó đủ lớn khôn.
Anh Ba đã từng chứng kiến những vị quan chức to, trong cơn say lại khóc như trẻ con vì nhớ cô bạn thời đại học mà vì tham vọng ảnh đã buông tay. Có thể nếu được chọn lại chưa chắc đó là lựa chọn đúng nhưng tôi vẫn ước giá mà đôi khi được nhìn ngắm họ sống hạnh phúc và thoải mái với tự do của riêng mình. Ít ra là hạnh phúc khi được lựa chọn.
Đừng ép con phải đón nhận kỳ vọng mà hãy để nó dung nạp dữ liệu và tự lựa chọn con đường của mình trong tương lai. Nói thì có vẻ giáo điều nhưng từ từ anh chị sẽ hiểu ý của tôi.
Anh chị có ghét – thương thì đừng bắt con phải yêu tất cả mọi người nó gặp. Chỉ nên dạy cách nó phải ứng xử thế nào cho đúng lễ nghĩa mà thôi.
Đòn roi đôi khi cũng có tác dụng nhất định với những lỗi lầm lớn. Nhưng đừng nên lạm dụng, tôi thật. Nó như kháng sinh vậy, càng dùng nhiều càng giảm tác dụng.
Hiểu để mà thương con, đừng gầm lên khi nó viết sai, viết lệch. Nó đang tập viết thứ ngôn ngữ anh chị đã quá quen thuộc nên anh chị ngứa mắt thôi. Giờ anh chị và cháu cùng học tiếng Ả-rập, tiếng Tây Ban Nha đi, chưa chắc anh chị khá hơn đâu.
Con bò nào cũng quên mất nó đã từng con bê mà, phải không?
Cre: Anh Ba SG
Posted on 09/09/2020, in Chất chã and tagged Góc nhìn. Bookmark the permalink. Bình luận về bài viết này.
Bình luận về bài viết này
Comments 0