Sách cũ

SÁCH CŨ

Sách cũ là sách không mới, rõ ràng là vậy rồi. Nhưng ở đây mình không muốn nói đến cuốn sách để lâu mà thành sách cũ. Mình muốn nói đến sách cũ được bán ở tiệm sách cũ.

Cứ lâu lâu mình lại đi ra tiệm sách cũ một lần. Đi trên đường, thấy một tiệm sách cũ lạ mình cũng dừng lại, ghé vào. Tìm được cuốn sách mình thích thì tuyệt, không cũng chả sao. Cảm giác khi lựa sách cũ vốn rất đặc biệt, khác hoàn toàn cảm giác bước vào nhà sách và lựa quyển sách mới còn trên kệ. Kệ sách nhà mình, phải gần 50% là sách cũ. Khi lựa chọn một quyển sách trong cái đống sách chưa đọc ấy, mình cũng chọn sách cũ. Chú thích thêm: 90% sách trên kệ là chưa đọc, mình thuộc tuýp trí thức giả cầy, mua sách cho sang, hehe.

Sách cũ là loại sách mà mình gọi là “đã vào đời”, nó không có cái vẻ mới mẻ, sạch sẽ hay thậm chí là còn thơm cả mùi mực như sách mới. Mình điếc mũi, có cái thiệt thòi là chưa từng được biết mùi mực hay mùi sách mới là như thế nào, kể có ra tận nhà in và đưa lên mũi ngửi. Những cùng hên, nhờ thế mà không có những content “so deep” kiểu như “sáng nay ngồi nhâm nhi cà phê, nhìn ra màn mưa Sài Gòn, đọc một quyển sách còn thơm mùi mực”. Nhìn nhìn quyển sách thì rõ ràng là in đã lâu, có lẽ cô bé nói đến mùi mực nướng.

Về mặt lý tính, sách cũ là sách của những bản dịch cũ, của những nhà văn cũ, nó tất nhiên phải hay hơn. Ngày xưa dịch giả hem có nhiều như bây giờ, nhưng mỗi lần dịch là mỗi lần tái sinh tác phẩm. Mình đọc Kiến thức ngày nay bảo Hàn Giang Nhạn tiên sinh dịch tác phẩm của Kim Dung đăng trên Minh báo hàng ngày. Một chục ông nhà báo đứng xếp hàng chờ lấy về in lại báo nhà. Hàn tiên sinh để 10 tờ giấy than rồi viết bằng tay.

Người nào hên lấy mấy bản ở trên thì chữ đẹp ngon lành, lỡ mà cầm tờ cuối cùng thì chữ được chữ mất. Về nhà viết lại thấy mịa, có mấy đoạn không đọc ra thì đoán đại. Vì thế độc giả mỗi tờ báo lại đọc một bản dịch khác nhau, dù của cùng một người. Có khi hôm nay đọc thấy Triệu Mẫn chết rồi, khóc như mưa. Hôm sau thấy í lộn hóa ra chưa chết, lại cười như điên. Thằng đọc báo Tuổi Trẻ thì bảo Quách Tĩnh yêu Hoa Tranh rồi làm phò mã, đám cưới Thành Cát Tư Hãn giết thịt lạc đà ăn như thịt bò. Thằng đọc Người Lao Động thì bảo Quách Tĩnh có yêu Hoa Tranh đâu, yêu Triết Biệt thì có. Rồi lao vào cãi nhau như điên, ai cũng quả quyết “Quách Tĩnh của tao” mới là hàng xịn. Nhưng thiệt ra thằng hàng xịn nhất phải là trên báo Nông Thôn ngày nay, nó yêu Hoàng Dung.

Trước khi dịch “Bố già”, có giai thoại Ngọc Thứ Lang dành cả mấy tháng liền ăn chơi trác táng, rượu chè hút chích, trai gái phóng đãng để trải nghiệm cảm giác giang hồ thứ thiệt. Từ một công từ Hà Nội hào hoa phong nhã, trở thành giang hồ miền nam cái rụp. Thành ra đọc bản “Bố già” của Ngọc Thứ Lang, chính nhiều bạn dân bắc cũng không mê nổi, vì nó viết giọng nam rặt. Bởi vì Ngọc Thứ Lang giao du với giang hồ miền nam, và vào lúc đó tuyệt đại đa số mê văn Hồ Biểu Chánh. Chính Ngọc Thứ Lang, trong đề tựa cho “Đất tiền đất bạc” đã thừa nhận giọng văn của mình bị ảnh hưởng nặng bởi tác giả cuốn “Con nhà nghèo”. Và ông tự hào vì điều đó.

Lại có giai thoại một cô sanh viên người Mỹ qua học tiếng Việt. Một thời gian sau tiếng Việt rành như tiếng mẹ đẻ, vô tình đọc bản dịch của Ngọc Thứ Lang, vỗ đùi đánh đét nói: “Ngọc Thứ Lang của tụi bây dịch Bố Già tao ưng cái bụng hơn đọc bản gốc của Mario Puzo”. Ha ha. Nghe thấy xạo xạo mà cũng vui.

Đấy chỉ là vài ví dụ cho thấy sách cũ có giá trị như thế nào. Giá trị văn học, dịch thuật, lịch sử tràn đầy trong những quyển sách cũ như thế. Nhưng nào chỉ có thế, sách cũ thường giúp chúng ta hiểu được phần nào người chủ nhân của quyển sách trước đó.

Mình vừa đọc quyển Nhóc Nicholas mua ở sách cũ, mình đoán ra ngay sách từng thuộc về một trẻ em trong độ tuổi từ 8-12. Vì sách được in năm 2010, ở trang 78 có một tờ tiền 1.000 đồng còn mới dùng để đánh dấu trang. Mình đoán đó là tiền lì xì, mà lì xì mệnh giá nhỏ thì chỉ dùng để lì xì cho những đứa còn học cấp 1 và đầu những năm cấp 2 chưa biết xài tiền. Chứ lớp 8 trở lên mà cho nó dưới 20.000 là nó sẽ rủa mình xui cả năm, nó sẽ đặt cho mình biệt danh “Candy Crush”. Hồi trước, nghe lũ con nít chỉ trỏ nói ông này ông kia là “Candy crush” mình đâu có hiểu, sao hỏi mới biết: “Chú đó lì xì ít lắm, nên tụi con gọi là kẹo kéo. Mà nói kẹo kéo sợ chú biết, nên gọi biệt danh là candy crush”. Tiên sư bọn trẻ tinh vi.

Một cuốn Tam Quốc Chí sách cũ của mình có 2 kiểu đánh dấu trang. Một kiểu gấp đôi trang giấy lại và một kiểu chéo xuống hình tam giác. Mình đoán cuốn sách từng thuộc về ít nhất là 2 người. Còn quyển nào mất một lúc vài trang trong khi bìa vẫn còn tốt thì biết ngay lũ sinh viên chui vào xé ra về làm dẫn chứng hay luận văn. Cứ mua sách cũ nhiều vào, là bạn sẽ thấy mình có máu Hercule Poirot trong người.

Sách cũ gợi nhớ những kỷ niệm cũ. Hôm nọ mình đọc lại cuốn Ỷ Thiên Đồ Long, thấy chữ sát na có được in dấu (*) và ở dưới có giòng chữ chú thích: “Sát na là đơn vị nhỏ nhất của thời gian theo ngôn ngữ nhà Phật. Ký tên: A-Tú, bằng hữu của chủ nhân đề bút”. Mình nhớ thằng Tú dễ sợ. Nó quê Đà Nẵng, mê Kim Dung nhất lớp, nhậu với mình trải trăm trận, nó ói hết 99 trận. Lớp mình gọi nó là Thánh Tú, đừng có đọc ngược là Thú Tánh nhen, tội nghiệp.

Sách cũ cũng cho ta kỷ niệm buồn cười. Vẫn lại là cuốn Ỷ Thiên Đồ Long ký, nhưng một bản dịch rất cũ của Từ Khánh Phụng, tựa là “Cô gái Đồ Long”. Tập 6 đang đọc đến khoảng trang 200 thì rách mất nửa trang. Lật sang trang sau thì thấy có hàng chữ: “Khúc này Chu Chỉ Nhược thắt cổ, xác treo tòng teng, mắt lòi ra ngoài, hấp dẫn lắm nè”. Vậy là sách này từng là sách thuê ở một cửa hàng cho thuê truyện nào đó, thằng trẻ trâu thuê về xong trêu ngươi đứa thuê sau. Mất dạy, nhưng cũng đáng yêu.

Sách cũ đong đầy những kỷ niệm dễ thương, đặc biệt là khi nó có những lời đề tặng. Nguyễn Nhật Ánh viết cuốn Hạ Đỏ rồi trân trọng ký tên tặng một chú bé tên Ngạn: “Tặng con để nhớ mãi những mùa hè tuổi thơ”. Vậy mà nó lại nằm ở tiệm sách cũ. Mẹ nó bán ve chai rồi quơ đại hay nó cho bạn mượn rồi mất luôn. Chắc nó buồn lắm.

Sách cũ có khi là kỷ niệm bi thương. Lời đề tặng của cuốn “Tôi yêu mà em đâu có hay” của Đoàn Thạch Biền ghi: “Tình đầu mãi mãi không quên, nhớ em nhớ từ dạo ấy”. Vậy mà cô gái cho nó ra tiệm sách cũ. Một là cô đã giận anh chàng tình cũ, quyết không vấn vương gì nữa. Hai là chồng cô gái phát hiện và quyết định “bán từ dạo ấy”.

Sách cũ nó có tâm hồn và đời sống của riêng nó. Ngã 3 Pasteur – Trần Quốc Toản có một tiệm sách ngoại văn, tên tiệm rất dễ thương: “Book a Life”. Nhưng bây giờ nó cũng dẹp rồi, thành quán trà sữa. Nhưng mình cứ nhớ cái tên “Book a life” của cái tiệm sách ngoại văn ấy.

Mua một quyển sách cũ, cũng giống như bạn Book a life vậy. Mượn một cuộc đời.

Ta có thể sống bao nhiêu cuộc đời này? Ta sẽ có bao nhiêu bằng hữu, bao nhiêu mối tình? Câu trả lời có khi chỉ là: ta đã đọc bao nhiêu quyển sách cũ …

Cre: Nguyễn Thanh Bình

Advertisement

About Hình Như Là

Xin đừng tìm biết rõ chàng ta - Nhân loại xem rằng dễ xấu xa Có đến mà yêu thì hãy đến Xem đầu mây gợn, mắt mây qua.

Posted on 22/08/2020, in Chất chã and tagged . Bookmark the permalink. Bình luận về bài viết này.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: