Ru em ngồi yên đấy…
Về câu hát “Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho” trong bài “Ru Tình”.
Nhiều người, kể cả Khánh Ly, cũng ngộ nhận câu này dùng để nói lên thứ tình yêu cao thượng dịu vợi của Trịnh Công Sơn. Nhưng thực ra, Trịnh Công Sơn – dù là người sùng bái tình yêu đến mấy – cũng là một con người bình thường, với những cảm xúc ích kỷ muôn thuở của tình yêu.
Trong cuốn phim tài liệu mà tôi được xem của hãng phim Trẻ gần đây, ông giải nghĩa câu hát này:
– Thực ra tôi muốn bảo là cô gái hãy ngồi im đó, tôi đi tìm cuộc tình cho, vì em đẹp quá, em đi tìm rồi tôi mất em làm sao. Tôi dự định đi một hồi rồi quay lại nói: “Anh tìm mãi không ra, thôi em yêu anh cho rồi”. Nhưng tôi chưa kịp nói ra câu ấy.
Hay như trong bài “Có một dòng sông đã qua đời”, được viết trong một cơn ghen với cô người yêu cũ. Hôm ấy, Trịnh Công Sơn tình cờ thấy cô người yêu cũ này đi với bồ mới (hay chồng gì đó) qua một cây cầu kỷ niệm. Ông nói giây phút ấy, mối tình đã chết, và cái dòng sông dưới chân cầu kia cũng đã chết. Nên chữ “qua đời” trong “Có một dòng sông đã qua đời” vừa có ý nghĩa là đi ngang cuộc đời, vừa có ý nghĩa là chết.
Ở một cuộc trò chuyện khác, Khánh Ly có kể lại cơ duyên ra đời bài “Để gió cuốn đi”. Lúc ấy, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã hát với nhau ở quán Văn. Nhưng hát free, nên cả hai đều rất nghèo. Khánh Ly kể:
“Ông rủ tôi hát thì tôi hát thôi. Chả buồn hỏi ngày mai mình ngủ ở đâu, mình có đồ ăn không. Ngày ấy, có một đĩa cơm tôi và ông cũng phải chia đôi vì không có tiền. Ông có rất nhiều bạn bè là đàn ông, một thời gian sau thì tôi cũng gia nhập cái nhóm bạn đàn ông ấy. Buổi tối, trong một căn phòng, mà cũng chả phải phòng đâu, vì nó ngổn ngang gạch, đá, giấy báo, vải bạt, ván ép. Mọi người cứ thế nằm lăn ra mà ngủ. Ngày ấy, người ta rất tin cậy nhau, rất tốt với nhau, rất tôn trọng nhau. Một mình tôi là đàn bà phụ nữ, nằm giữa một đám đàn ông như thế, và vẫn vô tư mà ngủ. Mình chả chấm ai trong đám bạn ông Trịnh Công Sơn mà có lẽ cũng chả ai buồn đi chấm mình. Riết rồi mình thấy mình giống đàn ông thiệt.
Một hôm, đang đói bụng quá mà chưa có tiền ăn cơm, tôi mới hỏi ông:
– Anh ơi, trong đời sống này mình cần cái gì?
Rồi ông nói ngay:
– Cần một tấm lòng.
Nghe câu trả lời tôi giãy nãy lên liền, mình nghèo chết cha, mình phải cần tiền chớ. Đi hát free mãi không mua nổi một cái áo dài, mãi không mua được một đôi giày. Tôi lại nói với ông:
– Tấm lòng ăn được không anh?
Ông Sơn, ngay cả khi ổng bực nhất, cũng không bao giờ la tôi cả. Lúc ấy ông nhẹ nhàng nói:
– Mai cứ sống với một tấm lòng đi. Hãy sống thật lòng, sống tử tế với nhau, dù chả để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi.
Lúc ấy tôi ngu lắm, tôi cũng chưa hiểu đâu. Mãi sau này, tôi mới nhận ra lời ông nói, vì lời của ông nó đã thấm vào người tôi. “Hãy sống tử tế với nhau” có lẽ là câu nói hay nhất mà tôi từng được nghe trong đời.”
Mình tin là Trịnh Công Sơn xứng đáng có một phác thảo đời thực như thế, vì không cần phải vẽ ông thành một vị thánh, Trịnh Công Sơn đã là một nhân vật kiệt xuất của thời đại mình, và của lịch sử âm nhạc/nghệ thuật Việt Nam rồi.
Cre: Trần Minh Rep.
Posted on 22/08/2020, in Chất chã and tagged Góc nhìn, Thi Ca. Bookmark the permalink. Bình luận về bài viết này.
Bình luận về bài viết này
Comments 0