Hy sinh trong thời bình
Hy sinh trong thời bình
Anh tôi làm cứu nạn hàng hải, anh hay than phiền đời sống tẻ nhạt. Tôi làm báo, đi suốt ngày, gặp gỡ nhiều người, lắm lúc cũng thấy cuộc sống của anh tẻ thật.
Anh ít khi ra biển, thường ở trong bờ cả năm, quanh quẩn đi chơi trong phố, đi tập thể thao, hoặc ở nhà bế con. Lương không cao không thấp, vừa đủ sống, và cuộc sống cứ thế tằng tằng trôi đi. Nhiệm vụ chính của anh hàng ngày ở cơ quan là vệ sinh, kiểm tra con tàu cứu nạn, hoặc đi chợ nấu cơm (anh em thủy thủ phân công nhau nấu cơm những ngày trực canh tàu).
Một người đàn ông khỏe mạnh bơi được gần 10 cây số trên biển liên tục, tốt nghiệp Đại học Hàng hải ra, đã có một cuộc sống thường nhật như thế.
Nhưng rồi đến lúc có chuyện, mới nhận ra rằng sự bình bình ấy đáng quý biết bao nhiêu. Chiều 17/6, tôi gọi điện thì tàu cứu nạn của anh vừa vào đến Cát Bà tiếp nước. Tiếng điện thoại rèn rẹt vì sóng yếu, anh tôi kể vừa chạy vào miền Trung để tìm phi công máy bay Su-30 ngày hôm trước, hôm sau, đã lại phát sinh nhiệm vụ mới, quay ngược ra Hải Phòng để tìm máy bay CASA. Rẽ qua đảo tiếp nước một lúc, rồi lại quay ra vùng tìm kiếm ngay.
Lúc ấy tôi nhớ đến ngày thường, anh em tôi đi ngang qua chợ, anh tôi kể chuyện mua rau mua cá về nấu canh. Anh tôi từ bé đi tập bơi với nhau, đã thể hiện tư chất hơn người, hơn 10 tuổi đã lặn mấy vòng bể bơi chuẩn Olympic không buồn nổi lên, giờ hay nói chuyện nội trợ.
Lúc ấy tôi nhớ đến những người vợ liệt sĩ của vụ rơi máy bay Mi-171 tôi đã gặp. Sắp tròn hai năm họ nuôi con một mình. Họ vẫn khóc khi nói đến chồng. Có chị vẫn chưa vượt qua được, vì chồng đi khi con còn trong bụng mẹ, vết thương không biết bao giờ mới lên sẹo. Có người chỉ mong có chồng trở về đi đón con hàng ngày từ nhà trẻ. Các chị giờ loay hoay buôn bán, người bán cân táo chai rượu, người làm cân chả cân ruốc, để nuôi con. Các chị vẫn đeo cả hai chiếc nhẫn cưới trên cùng một bàn tay.
Lúc ấy, tôi mới thấy rằng cái mình cho rằng là sự làng nhàng của cuộc sống thường ngày, đặt cạnh những sóng gió nổi lên, mới là điều đáng mơ ước.
Những người lính hy sinh trong thời bình, nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình đáng quý thế nào. Nó có thể ở trong nhiều hình dạng. Hòa bình có thể là sự thịnh vượng sôi động, nhưng cũng có thể chỉ là một người đàn ông có thời gian đi chợ, bế con. Họ, là người lính phục vụ tổ quốc, nhưng cũng là người đàn ông trong gia đình. Họ không chỉ để lại một thông điệp về chính trị, về “hòa bình” ở nét nghĩa vĩ mô, là không ai thích chiến tranh. Họ để lại cả thông điệp về sự bình yên trong cuộc sống nhỏ mỗi người. Họ giúp chúng ta biết trân trọng những hạnh phúc nhỏ nhặt nhất.
Hai chiếc máy bay rơi trong cùng một tuần trên bầu trời Tổ quốc, có lẽ là cú sốc đối với nhiều người. Nhưng sự hy sinh của họ không vô nghĩa. Nó để lại một khoảng trống, và nhìn vào khoảng trống ấy mỗi người bình thường chúng ta nhận ra mình đang có những gì.
Anh tôi cứ “thất nghiệp” mãi, ở nhà bế con mãi thì tốt. Không phải lao ra ngoài kia để đi tìm ai.
VIA Facebook Đinh Đức Hoàng
Posted on 20/06/2016, in Chất chã and tagged Góc nhìn. Bookmark the permalink. Bình luận về bài viết này.
Bình luận về bài viết này
Comments 0