Trần Tiến & Trịnh Công Sơn

TRẦN TIẾN & TRỊNH CÔNG SƠN

Bức ảnh này được chụp từ một bộ phim tư liệu quý về Trịnh Công Sơn. Trong đoạn phim này, Trần Tiến đang say sưa nhìn Trịnh Công Sơn nói chuyện với Nguyễn Duy, như fan nhìn thần tượng. Những ai xem bộ phim tài liệu “Màu cỏ úa” gần đây cũng đã nhận ra: cùng với Văn Cao, Trịnh Công Sơn là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của Trần Tiến. Thực ra ba người cũng chính là tiếng nói của âm nhạc Việt Nam đi qua ba thời kỳ: tiền chiến lãng mạn, chiến tranh tang thương và đổi mới hậu chiến.

Trở lại với bức ảnh. Lúc này, Trịnh Công Sơn khuyến khích Nguyễn Duy và Trần Tiến nên phối hợp với nhau để cùng viết ca khúc. Ông nói: “Duy cứ ngồi trên xe honda với Tiến. Tiến thì cứ viết melody, Duy cứ nghe, rồi từ những cái nốt ấy, chữ nó sẽ mọc ra, mọc ra. Duy thử đi rồi sẽ thấy đây là một trò chơi vui vô cùng tận. Vì chữ nó mọc ra khác với khi Duy làm thơ một mình”.

Đấy chính là cái hay của Trịnh Công Sơn. Ông luôn cổ vũ sáng tạo, đặc biệt là với những bạn bè của mình. Trịnh Công Sơn có nhiều bạn, và có một biệt tài: luôn khiến cho mọi người bạn cảm thấy mình thật đặc biệt. Như Trần Tiến, trong cuốn tự truyện “Ngẫu hứng” của mình, những dòng đẹp và trân trọng nhất đều dành cho Trịnh Công Sơn.

Để biết sự trân trọng ấy từ đâu ra, hãy đọc đoạn tự truyện này:

“Hắn vừa nhập cư Sài Thành, trạc tuổi băm, còn thích điệu đàng lập dị. Áo ngâm vỏ cây người thiểu số, tóc tai hippi, ngược ưỡn, vai khuỳnh. Mở miệng là đại ngôn, bị đồng nghiệp Nam ghét, tẩy chay, cả năm trời không ai mời đi diễn, đói chết mẹ.”

Người duy nhất mở rộng vòng tay với “hắn” chính là Trịnh Công Sơn. Hôm ấy, Trần Tiến tháp tùng Phạm Tiến Duật lần đầu đến nhà Trịnh Công Sơn. Vừa gặp hai người, Trịnh Công Sơn lấy rượu ra mời ngay. Trần Tiến kể:

“Anh mời bọn tôi vài ly là tôi đã say và buồn ngủ. Lính ở trong rừng mà, lấy đâu ra rượu. Anh dìu tôi lên phòng và vặn nhạc của anh cho tôi nghe. Tôi ngủ một mạch. Thấy tiếng nhạc suốt đêm, tưởng tôi nghe hết. Sáng sau anh hỏi: “Có thích bài nào không?”. Tôi nói: “Anh có cái máy nghe nhạc tân kỳ quá, em chẳng biết tắt bằng cái nút nào”. Anh cười thật hiền”.

Rồi Trịnh Công Sơn mời Trần Tiến ở lại ngay trong nhà mình. Trong mắt Trịnh Công Sơn, một vị doanh nhân và một người đạp xích lô có giá trị như nhau, vì ông nhìn vào tâm hồn của họ. Và vì thấy tâm hồn của Trần Tiến nên xem “hắn” như người trong nhà, tới bữa mời xuống ăn cơm như anh em ruột. Rồi cái máu giang hổ thảo mãng nổi lên, Trần Tiến ái ngại bỏ ra công viên Văn Lang ngủ bụi. Trịnh Công Sơn mới sai em ruột là Trịnh Xuân Tịnh đi ra thỉnh về, rồi nói giọng buồn bã: “Tiến không chịu hàm ơn cuộc đời, thì làm sao biết trả ơn người”.

Trần Tiến kể: có một dạo khi còn trẻ, ông ôm mộng phải viết cho được những đại tác phẩm Nhưng trong một lá thư tay, Trịnh Công Sơn viết: “Tiến à, mình không nghĩ rằng một bản giao hưởng tồi lại có thể ví được với một câu hò hay”. Tới đây, ta có thể hiểu âm hưởng dân gian xuyên suốt các tác phẩm của Trần Tiến từ đâu mà ra.

Để có thể mang “câu hò hay” vào mọi tác phẩm của mình, Trần Tiến tất nhiên phải có một óc quan sát thật tinh tế. Ông không đứng ngoài, mà lao vào sống, phải sống và thấu cảm đến đâu mới hiểu được “hồn người raglai”, mới nhìn thấy nỗi đau và niềm vui song hành theo những “vết chân tròn trên cát”, mới vui được khi nhìn “đàn chim Chơ rao bay qua bay qua dưới bầu trời”.

Ông mang sự tinh tế ấy từ âm nhạc vào trong văn học, thứ văn thô mộc nhưng đẹp tuyệt vời. Ông viết: “Không phải cứ cây, cứ chim là mùa xuân. Cây mận nhà anh Sơn (Trịnh Công Sơn) bởi cụ nhà khuất xa nên buồn mà chết. Con chim yến mất bạn tình, cô đơn mà đâm đầu từ núi cao xuống vực”.

Sài Gòn trong Trần Tiến chính là Trịnh Công Sơn vậy. Trần Tiến tả người anh lớn của mình: “Người ốm nhưng bước chân khoan thai, quý tộc, vai gầy nhưng ngực vươn ra như kiếm khách, nghe ai kể chuyện gì cũng “Tội rứa, chi mà tội rứa…” Đó là người “bảnh mắt ra đã gọi mình uống rượu, buồn như gã thủy thủ cuối chân trời”.

Thời gian “ở trọ” nhà Trịnh Công Sơn, Trần Tiến liên tục được bơm rất nhiều cảm hứng sáng tác. Ông viết:

“Kẻ hay chữ, một ngày không đọc sách, cái mặt trong đần đần ngu ngu.

Kẻ hay làm, một ngày không có việc, cái người trông bần thần muốn bệnh.

Chả thế vớ được người hay chữ như anh Hoàng Thiệu Khang mới ở bắc vào, anh Sơn vui lắm. Uống rượu, luận triết, nói cười rổn rảng suốt ngày trên cái vườn treo ở nhà. Nhớ một buổi chiều, ba anh em đang khề khà, bỗng có một em Nhật gõ cửa, xin được hỏi anh về triết phương đông. Em lại còn can tội… xinh nữa. Thế là chàng bỏ hai anh em tôi, líu ríu với người đẹp cả tiếng.

Chờ lâu quá, lại thông cảm với ông anh chưa vợ, tôi ra chào, xin phép về. Đi qua nàng, tự nhiên tôi hát:

“Âm dương nằm ngang, ngũ hành nằm dọc.
Em chưa biết đọc, em nằm nghiêng…”

TCS liền chen vào “Hay, hay. Toa mới bịa à, tiếp đi, tiếp đi.” Nói đoạn quay sang em gái xứ Phù Tang, khoe: “Đấy, đấy, âm nhạc phương đông đấy”.

Bấy giờ chàng mới sực tỉnh ra, xin lỗi vì đã quên bọn tôi. Từ hôm ấy, sáng nào cũng gọi sang uống rượu để được nghe những khúc sau. Nhờ gặp tri âm kích động, tôi viết thêm mấy chục bài nữa rồi tịt ngòi.”

Trước khi qua thế giới bên kia, Trịnh Công còn kịp dúi cho Bảo Phúc ít tiền, dặn thu thanh chùm ngẫu hứng cho Tiến, vì hắn “tội dễ sợ”. Tình bạn văn nghệ sĩ ngày xưa, sao mà đáng yêu đến thế.

Cũng như Trịnh Công Sơn, thời trẻ Trần Tiến chủ yếu… hát free. Người ta gọi ông là nghệ sĩ du ca. Mãi đến mấy năm trước, Trần Tiến mới lọ mọ lên Google gõ xem “Du ca là gì”. Đọc một đống kết quả xong cũng… ù ù cạc cạc. Chỉ biết đại loại là đi hát lang thang, không bán vé, không sân khấu, không ánh đèn và… không tiền. Tiền, nếu có, cũng dùng vào mục đích thiện nguyện.

Trần Tiến đã du ca như thế suốt thời trai trẻ. Tiếng hát của ông – cũng như người anh ruột Trần Hiếu – đã vang lên từ những chiến trường. Ông chơi guitar và hát cho bất cứ nơi nào có lính. Nhưng nếu Trần Hiếu hát sân khấu lớn, kích thích tinh thần chiến đấu cho hàng trăm, hàng vạn người qua những bài hát ca ngợi cách mạng và con người cách mạng thì Trần Tiến hát có khi chỉ cho hai, ba người nghe. Ông hát trên đỉnh núi, ngoài bến phà, trong công sự, leo lên cả ụ pháo nóc cầu Long Biên mà ngân nga. Và khi đã lớn tuổi rồi, ông cũng chỉ cảm thấy thoải mái khi hát ở những nơi không có ánh đèn sân khấu.

Vì dưới ánh đèn sân khấu, người ta sẽ phô ra một gương mặt mà đám đông muốn thấy. Trong khi Trần Tiến chỉ có độc nhất một gương mặt. Có lần vì cả nể, ông tham gia làm giám khảo cho chương trình “Bước nhảy hoàn vũ”, và mang luôn cái tính có sao nói vậy lên show. Các em nhảy latin sexy thì phải bình luận là vú có nảy, mông có sexy không, chứ chả lẽ lại đi nói “vòng một được đó, vòng ba chưa được”? Và thế là scandal nổ ra. Trần Tiến hứng trọn những lời chỉ trích, miệt thị từ chính những khán giả mà ông vẫn thương yêu và dốc lòng viết bài hát cho họ.

Ông viết: “Thấy lạc lõng, nhưng rồi chợt hiểu ra: già rồi. Những khán giả yêu ta cũng đã già theo, hoặc đã về cõi vĩnh hằng bình yên. Vậy mà còn ngồi đây tí tởn với “Bước nhảy hoàn vũ”. Sao không hoàn vũ đi nhạc sĩ hết thời ơi”.

Trần Tiến không hết thời, mà chỉ lạc thời. Kẻ lạc thời ấy càng trở nên cô đơn khi những người bạn lớn lần lượt nối gót ra đi, để ông cứ phải chứng kiến cảnh “chiều hoang vắng, chiếc xe tang đi thật vội vàng”. Trần Tiến như một gã cao bồi già, môt hôm bước ra đường, thảng thốt nhận ra đàn bà tự tin nhất định phải xài băng vệ sinh A, đàn ông đích thực thì phải uống bia B, trẻ con phải uống sữa C thì mới thông minh, vợ yêu chồng thì phải cho một muỗng siêu bột nêm D vào canh. Rồi chợt nghĩ: ông Hoàng Cầm đi xe gì mà gái mê chết mệt, ông Nguyễn Tuân bú sữa gì mà viết hay đến thế….

Một kẻ lạc thời, vì dù đã là thời bình, mà vẫn phải chứng kiến những “trận chiến” mới trên mặt trận văn hóa. Dù cố đứng ngoài cuộc, nhưng thỉnh thoảng Trần Tiến cũng khéo léo nói lên quan điểm của mình, khi có người chỉ vì bài hát “Cho một người nằm xuống” mà Trịnh Công Sơn viết cho Lưu Kim Cương đã vội kết luận ông là người của “bên kia”, rồi từ đó cố phủ định tất cả những sáng tác của ông. Trần Tiến kể lại cuộc hội thoại của mình và một người bạn tên Khanh “khú”:

  • Em mê giao hưởng, thế có nhớ bản số 3 của Beethoven viết tặng Napoleon không?
  • Có, một trong những bản hay nhất của nhân loại.
  • Beethoven đã xét nát nó khi Napoleon mang quân chiếm nước Đức, quê hương ông. Nhưng bài hát nó vẫn sống mãi. Có yêu một người đến mức thần tượng mới sáng tác hay như thế. Người đời đâu cần phán xet ông ấy yêu nhầm ai. Nhạc hay nó sẽ vượt qua mọi thành kiến, tư tưởng, chính trị. Nó sẽ nằm mãi trong lòng nhân loại. Cứ hay là được.

Ta bắt gặp khẩu quyết “cứ hay là được” ấy trong xuyên suốt chặng đường sáng tác của Trần Tiến. Viết gì cũng được, cứ hay là được. Nghệ thuật trước hết là hấp dẫn, chuyển tải gì tính sau. Vì “thực ra có cái quái quan trọng gì đâu mà chuyển tải. Ai cũng sáng tác nhạc và viết văn được cả thôi. Thằng (Nguyễn Trọng) Tạo viết ca khúc cũng dễ thương. Nguyễn Đình Thi viết nhạc, ông Văn Cao vẽ… Trời cho thì nhận! Đừng nghĩ nhiều đến chuyển tải thông điệp. Chẳng có thông điệp nào mới cả, nhưng sẽ rất mới nếu sống thật mình! Làm tình thì có gì là mới. Những ai yêu ta thật, dù chả biết kỹ thuật gì, vẫn cứ làm ta mê đi là sao. Nói ỡm nói ờ mà cứ sướng là sao.

  • Anh ơi, nhìn này, nó là cây lúa đấy.

Chàng đâu có nói con điên này chỉ một thứ mà ai cũng biết, chỉ ồ lên:

  • Thế à, thích nhỉ, cây lúa đẹp nhỉ.

Tình yêu thì lúc nào cũng vui thế đấy, dù có thòi ra thông điệp gì mới đâu.”

Sau này khi có ai hỏi phim “Em và Trịnh” muốn truyền đi thông điệp gì, có lẽ sẽ trả lời: tình yêu thôi.

Vì: “Tình yêu thì lúc nào cũng vui thế đấy, dù có thòi ra thông điệp gì mới đâu.”

Cre: Bình Bồng Bột

About Hình Như Là

Xin đừng tìm biết rõ chàng ta - Nhân loại xem rằng dễ xấu xa Có đến mà yêu thì hãy đến Xem đầu mây gợn, mắt mây qua.

Posted on 13/12/2020, in Chất chã, Chất chơi and tagged , . Bookmark the permalink. Bình luận về bài viết này.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.